THÁNH LINH

NHƯ MỌI SỰ KHỞI ĐẦU…

“Phúc cho anh, Si-mon Ba-gio-na”,  Đức Giê-su nói với người đàn ông, mà tên tuổi được Giáo Hội ghi ấn muôn đời, “anh là Phê-rô, và trên đá này ta sẽ xây Giáo Hội ta, và mọi quyền lực âm phủ sẽ không chiến thắng nó được”. Câu nói mở đầu một lịch sử thành công vô tiền khoáng hậu. Phải chăng, với câu nói đó, chính Đức Ki-tô đã lập Giáo Hội?

Câu hỏi, phải chăng chính Đức Ki-tô muốn có Giáo Hội, đã trở thành một cuộc bàn luận sôi nổi. Nhiều người bảo không, Ngài chỉ muốn Nước Trời hay một cái gì khác, chứ hoàn toàn không phải Giáo Hội. Lập luận như thế, rõ ràng người ta đã không hiểu rằng, không những  Đức Giê-su đứng trong lịch sử cứu độ của dân Do-thái, mà còn không hiểu cả í định đổi mới dân này của Ngài, nghĩa là Ngài muốn đổi mới, đào sâu và mở rộng toàn bộ lịch sử cứu độ - và như vậy có nghĩa là Ngài muốn lập cái mà ta nay gọi là Giáo Hội.

Có nhiều hồ sơ thành lập Giáo Hội trong cuộc đời  Đức Giê-su. Bắt đầu từ việc chọn mười hai tông đồ. Mà chúng ta hiểu đó là biểu tượng của mười hai chi họ Is-ra-en mới. Rồi tới những lời Ngài nói với họ, và nhất là trong bữa tiệc li, bữa tiệc được giao và trao tặng cho họ như là tâm điểm cuộc sống mới của họ. Sự việc càng rõ nét hơn trong lệnh rửa tội, lệnh truyền giáo và nhiều chỗ khác. Và việc chọn Phê-rô đứng đầu nhóm tông đồ và làm tảng đá Giáo Hội là một sự kiện trong gói hồ sơ thành lập đó.

Sau khi mất,  Đức Giê-su hiện ra với các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem. Theo phúc âm Mát-thêu, Ngài nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em”. Vừa nói, Ngài thổi hơi vào các ông và nói: “Hãy nhận lấy Thánh Linh!” Có lẽ chẳng ai trong các ông lúc đó hiểu được chuyện gì sẽ xẩy ra với việc thổi hơi đó.

Đó là một hoạt cảnh đầy ấn tượng, nó cụ thể hoá việc chọn nhóm mười hai sau ngày phục sinh. Các tông đồ trở thành những người mang Thánh Linh, đấng tiếp nối sứ mạng của chính Chúa Giê-su Ki-tô trong họ. Thật ra lúc đó chẳng ai có thể tưởng tượng được sứ mạng đó sẽ tác động như thế nào. Đa số trong họ nghĩ tới ngày tận thế đang tới gần. Họ tin chắc rằng, thời gian giờ đây đã viên mãn, và lịch sử chẳng còn kéo dài bao lâu nữa. Các tông đồ chỉ cần biết, họ giờ đây mang trong mình thần linh của Đức Ki-tô, và họ phải mang sự bình an – đó là cái mới do Ngài mang tới - vượt biên giới Do-thái ra cho các dân tộc khác nữa.

Một chuyện kì diệu đã xẩy ra sau ngày phục sinh. Vào một chiều tối, Phê-rô, Gio-an và vài người khác đánh cá trong hồ Giê-nê-sa-ret. Bầu khí chẳng vui, vì họ không đánh được con cá nào cả. Sáng sớm hôm sau, khi thuyền cập bờ, họ gặp  Đức Giê-su. Các môn đồ không nhận ra Ngài, dù Ngài nói với họ như một người thân. Ngài nói: “Này, mấy cậu, có gì ăn không?” Rồi Ngài bảo họ: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ có cá”. Không hiểu sao, họ làm theo lời, và lưới đầy cá đến nỗi không thể kéo lên được. “Thầy đó!”, Gio-an chợt la lên. Phê-rô phóng mình xuống nước, bơi vào bờ, những người khác chèo thuyền vào theo. Họ bắt được 153 con cá to, mà lưới không rách.

Câu chuyện mang tính rất biểu trưng và đa nghĩa, lúc này đây ta không thể bàn vào chi tiết được. Một mẻ lưới kì diệu. Các ngư phủ lưới cả đêm mà chẳng bắt được gì, và với kinh nghiệm dày dạn của họ, không ai nghĩ rằng sáng ra mà còn đánh được cá. Nhưng họ nghe lời  Đức Giê-su, trở ra lại, thả lưới và quả được như lời Ngài nói.

Đâu là ý nghĩa con số 153 mà Gio-an đã cẩn thận ghi lại, các học giả chưa hiểu. Một số người coi đó là chữ số tên gọi của Phê-rô. Dù sao, họ coi đó là dấu chỉ của sự tràn đầy. Đây là một lời hứa vượt lên trên cái hiện có. Một mặt, nó cho thấy con người chẳng cần nhọc công gì trong việc bắt cá từ biển trần gian này, để từ đó có được những con cá người sống động cho Chúa. Mặt khác, nó đồng thời nói lên hứa hẹn luôn có thể xẩy ra điều không thể xẩy ra, rằng Giáo Hội luôn vẫn có thể kéo lưới Ki-tô từ bể gian trần chóng qua, và rằng trong mẻ lưới này của ngư phủ Phê-rô sẽ có vô số con người được kéo lại với nhau.

Câu chuyện tiếp tục. Họ đốt lửa, sửa soạn bữa ăn với cá và bánh mì. Và rồi  Đức Giê-su quay sang Si-mon Phê-rô: “Này Si-mon”, Ngài nói, “con của Jo-nas, anh có yêu thầy hơn các anh em kia không?” Phê-rô ngỡ ngàng, đáp: “Vâng, thưa Thầy, Thầy biết con yêu Thầy”. Ngài hỏi đi hỏi lại ông ba lần như thế, lần nào cũng được trả lời: “Vâng, thưa Thầy, Thầy biết con yêu thầy”. Cuối cùng, Phê-rô hơi bực, thưa: “Thầy, Thầy biết mọi chuyện, Thầy cũng biết là con yêu Thầy”. Sau đó, cũng với ba câu, Ngài đã trao cho Phê-rô sứ mạng lạ lùng: “Hãy chăn dắt chiên của thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của thầy”, và cuối cùng “Hãy chăn dắt cừu của thầy”. Những điều đó mang ý nghĩa gì?

Trước hết, các môn đệ đã bắt cá cho Ngài, và Ngài đã cho các ông ăn. Rốt cuộc thì nỗ lực của con người được đền bù nhiều hơn bởi tặng phẩm do chính  Đức Giê-su trao ban. Và cuối cùng, thêm một lần nữa, ta thấy  ý hướng sắp đặt người kế vị của Chúa. Lời thú nhận đầu tiên của Phê-rô, mà chúng ta đã nói tới trước đây, xẩy ra sau khi vụ thành công ở Ga-li-lê đã lắng đọng, và không còn ai đề cập tới  Đức Giê-su nữa. Nhiều người cho rằng câu nói Phê-rô là đá không phải do  Đức Giê-su nói, mà đó chỉ là điều do người ta thêm thắt về sau cùng với câu chuyện phục sinh. Nhưng các Tin Mừng đã cố tình ghi lại câu đó vào một thời điểm quyết định trong cuộc đời tại thế của  Đức Giê-su; nó đã được đan bện vào khung cảnh đó, đến nỗi không thể nào tách rời ra được.

Trong phòng tiệc li lại có một lời hứa mới với Phê-rô: Ngày nào đã vững, anh nhớ củng cố anh em. Nghĩa là Phê-rô được giao cho nhiệm vụ củng cố đức tin cho đồng bạn. Điều quan trọng, là những chứng cứ về Phê-rô đó xuyên suốt các sách Tân Ước. Trong các Tin Mừng nhất lãm, trong Tin Mừng Gio-an và thư Phao-lô ta đều thấy vai trò đứng đầu đó; nghĩa là nhận thức về chỗ đứng đặc biệt của Phê-rô đã được nói tới trong nhiều vùng truyền thống khác nhau.

Tin Mừng Gio-an đoạn 21 trên nói về một nghi thức kế vị. Phê-rô từ đây phải chăm sóc đàn chiên của Chúa. Và sau đó Chúa nói với ông, trong một tiên tri về cuộc tử đạo, rằng nhiệm vụ đó chỉ được xây dựng trên tình yêu đối với Ngài, và chỉ có thể thực thi với điều kiện sẵn sàng bước vào con đường tử đạo. Như vậy, đối với tín hữu công giáo, nền thần học đầy đủ về Phê-rô trong Tân Ước đã bằng nhiều cách nói lên sứ mạng đặc biệt của ngài – và đó cũng là một di chúc cho Giáo Hội mọi thời.

 Đức Giê-su phục sinh đã truyền cho các môn đệ, anh em chỉ rời Giê-ru-sa-lem sau khi đã nhận được “sức mạnh từ trời” là Chúa Thánh Thần. Ngài có một câu đầy bí ẩn: “Gio-an đã làm phép rửa bằng nước, còn anh em ít ngày nữa sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Nghĩa là sao?

 Đức Giê-su loan báo về quà tặng Thánh Linh, sẽ được đổ xuống lần đầu tiên trong ngày lễ ngũ tuần. Câu chuyện đã được thánh Lu-ca thuật lại trong Công-vụ Tông-đồ. Trong đó, ngài mô tả quà Thánh Linh đã đổ xuống trên nhóm ưu tú 120 người đang tụ họp với mười hai tông đồ và mẹ Maria như thế nào. Lu-ca viết sách đó rất cân nhắc, ngài cho hay việc Thánh Linh hiện xuống là một cuộc tái cưu mang  Đức Giê-su, và như vậy con người Giê-su đã được đón nhận nơi trần gian. Giờ đây Thánh Linh lại xuống, và như thế Giáo Hội, “nhiệm thể Đức Ki-tô”, được hình thành để bước vào lịch sử. Điều đó xẩy ra trong dấu chỉ mưa bão và lửa, và nhất là qua dấu chỉ phép lạ ngôn ngữ - với những dấu chỉ đó Giáo Hội được thông báo và đón nhận bằng mọi thứ tiếng. Đó là hình ảnh đối lập với tháp Babel. Đó là xã hội mới và khác, mà Thiên Chúa giờ đây dựng lên trong lòng người, nhờ bởi sức mạnh của Thánh Linh là ngọn lửa của Thiên Chúa.

Nhưng phải chăng đã có lửa, những lưỡi lửa từ trời rơi xuống thật sự?

Cảnh tượng đó thật sự ra sao, tuỳ mỗi người hiểu. Các giáo phụ, và đặc biệt nền thần học đông phương, coi biểu tượng đó mang ý nghĩa rất sâu xa. Thánh Linh hiện ra dưới hình lưỡi, hình lửa, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ ngự lại nơi từng người một. Đó là những hình ảnh cơ bản nói lên cho ta biết cái còn lại, cái mầu nhiệm của Thánh Linh, của sự tái sinh Giáo Hội. Và phép lạ ngôn ngữ cũng nói lên cái mà ta gọi là chất công giáo của Giáo Hội.